top of page
Ảnh của tác giảInformation

Các ngân hàng lên tiếng về việc cho vay bất động sản

Lãnh đạo một số ngân hàng như BIDV, Vietinbank khẳng định không có chủ trương “siết” cho vay bất động sản. Các ngân hàng cho biết, vẫn ưu tiên cho vay bất đối với các chủ đầu tư có tiềm lực và người mua nhà nhu cầu thực.

Thời gian qua, thông tin về việc ngân hàng “siết” tín dụng bất động sản đã làm cho nhiều người mua nhà có nhu cầu thực lo lắng. Tuy nhiên, mới đây tại tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do Báo Thanh Niên tổ chức, lãnh đạo các ngân hàng đã có những chia sẻ liên quan đến việc cho vay bất động sản được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.


Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, cho vay tiêu dùng bất động sản tại VietinBank tính đến thời điểm hiện nay tăng khoảng 24% so với đầu năm 2022.


“Trong cuối tháng 5 vừa qua, VietinBank, BIDV, Techcombank và Vietcombank có thu xếp một khoản vay cho một chủ đầu tư dự án bất động sản lớn tại phía Bắc. Chúng tôi họp qua rất nhiều cấp và khi thu xếp xong thì chủ đầu tư nói là không vay nữa bởi vì họ huy động vốn xong rồi. Họ chỉ cần ngân hàng phát hành bảo lãnh cho người mua bất động sản”, ông Vinh cho biết.


Vị này cho biết, thời gian vừa qua, nhiều thông tin cho thấy có những địa phương ghi nhận giá bất động sản tăng đến mấy trăm % chỉ trong vòng vài năm. Do đó mới có câu chuyện kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này.


“Ngày 7/4 vừa qua chúng tôi có nhận được Công điện của Thủ tướng về việc chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như đấu giá quyền sử dụng đất. Các ngân hàng chúng tôi không có một văn bản nào siết chặt hay hạn chế tín dụng vào bất động sản. Thực tế, ngày 1/6 vừa qua, chúng tôi có ký một văn bản chỉ đạo toàn hệ thống của VietinBank về việc hướng dẫn các chi nhánh trong việc cho vay vốn liên quan đến các dự án bất động sản”, ông Vinh cho hay.


Đại diện ngân hàng VietinBank cho biết, dư nợ bất động sản ở ngân hàng này tính đến thời điểm hiện tại đang chiếm khoảng 20% danh mục tín dụng của nhà băng này, nợ xấu cho vay bất động chỉ khoảng 0,3%.

“Trước đây khi còn phụ trách mảng xử lý nợ của ngân hàng tôi thấy, khi nền kinh tế có những giai đoạn khó khăn và dẫn đến nợ xấu của ngành ngân hàng thì dư nợ được đảm bảo bằng các tài sản bất động sản lại là cái hỗ trợ cho các ngân hàng rất nhiều. Bởi khi các doanh nghiệp bất động sản bán dự án hoặc phát triển lại dự án thì hoàn toàn có thể trả nợ tiền gốc cộng với 5 - 7 năm nợ lãi của ngân hàng. Bất động sản vẫn là một lĩnh vực khiến các ngân hàng yên tâm trong việc cho vay nhờ có tài sản thế chấp cộng với nhu cầu thực của người dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội”, ông Vinh đưa quan điểm. Liên quan đến việc bất động sản tại một số nơi hạ nhiệt sau thời gian tăng quá nóng, lãnh đạo nhà băng này cho rằng, đây là tín hiệu giúp thị trường minh bạch hóa chứ không phải thị trường gặp rủi ro liên quan đến việc ngân hàng không cho vay. “Chúng tôi vẫn ưu tiên cho vay đối với các chủ đầu tư có kinh nghiệm và các dự án đang triển khai có vị trí tốt, quy hoạch hạ tầng thuận lợi. Đặc biệt là các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại các vùng thu hút du lịch lớn. Tất cả những dự án khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ thì các ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay. Thời gian qua có một số sàn bất động sản cấu kết ôm hàng, thổi giá, đầu cơ bất động sản, gây nhiễu loạn thị trường. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định cho vay bất động sản. Chúng tôi cũng đề xuất về mặt dài hạn, các cơ quan quản lý làm sao để thị trường bất động sản minh bạch hơn để các ngân hàng yên tâm cho vay”, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho hay. Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thị trường bất động sản ngày càng có vai trò quan trọng trong tương lai và được dự báo phát triển mạnh. Do đó, cần đòi hỏi càng minh bạch hơn. Đại diện BIDV cho biết, ngân hàng đang quan tâm đến lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Tới đây, BIDV cũng tham gia vào những dự án lớn tại khu vực phía Nam. “Tính đến hết ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng của BIDV tăng trưởng 6,51%. Riêng tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay tiêu dùng (trong đó có cho vay mua nhà) chúng tôi tăng gần 14%. Có nghĩa là chúng tôi không hạn chế mà cho vay trên cơ sở nhu cầu thực tế của người mua nhà chứ không phải cho vay để đầu cơ mua đi bán lại. Chúng tôi cũng đang xem xét kỹ lượng để hạn chế và không cấp tín dụng cho những trường hợp này”, ông Phương nhấn mạnh. Đối với những dự án cho chủ đầu tư, ông Phương cho biết, trong quá trình triển khai cho vay, BIDV cũng rất chú ý đến năng lực tài chính của khách hàng xem có lành mạnh hay không. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bất động sản. Và phải xem cấu trúc huy động vốn của doanh nghiệp ngắn hay dài hạn, có đảm bảo tính bền vững hay không, có phù hợp với cơ cấu vốn tự có của doanh nghiệp hay không?

Khi cho các doanh nghiệp vay, ngân hàng cũng phải tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở thỏa thuận. Khách hàng có lợi nhuận, có doanh thu bền vững thì ngân hàng cũng phải được đảm bảo an toàn là có doanh thu, lợi nhuận bền vững trong dài hạn. “Đặc biệt sẽ tập trung cho vay đối với những chủ đầu tư có kinh nghiệm, những dự án có tính khả thi, có vị trí thuận lợi và có khả năng bán hàng tốt. Trong quá trình làm việc với các khách hàng, chúng tôi cũng nhận thấy một điều quan trọng là các chủ đầu tư phải xác định phân kỳ đầu tư một cách phù hợp”, ông Phương nói. Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc khối bán lẻ - Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, OCB xác định nhóm khách hàng trọng tâm là nhóm khách hàng mua bất động sản, cụ thể là những người có nhu cầu mua nhà để ở thực. “Trong tháng 5 vừa qua, dư nợ tín dụng mảng bán lẻ của OCB đã tăng đến 20%. Trong khi, đối với tín dụng cho vay bất động sản tiêu dùng, chúng tôi hướng đến nhóm đối tượng trẻ, mới đi làm có thu nhập vừa phải hoặc mới lập gia đình, có giá trị tích lũy và thu nhập ở mức trung bình, trung bình khá. Bởi theo khảo sát của chúng tôi, nhu cầu mua nhà để ở của nhóm khách hàng trẻ mới đi làm và mới lập gia đình là rất lớn. Khó khăn lớn nhất của họ là chưa có đủ tích lũy. Chúng tôi cũng đã xây dựng chiến lược riêng cho nhóm khách hàng này như liên kết với các chủ đầu tư có dự án khả thi, pháp lý đầy đủ để giúp khách hàng mua được nhà”, ông Hương nói. Đại diện ngân hàng OCB cho biết, mặc dù room tín dụng của các ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng OCB cũng rất hạn chế. Nhưng riêng với sản phẩm “Dream Home” của OCB tính đến thời điểm hiện nay vẫn được ưu tiên giải ngân và khách hàng vẫn được khuyến khích vay vốn.

Minh Tâm Theo Nhịp sống kinh tế

Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/cac-ngan-hang-len-tieng-ve-viec-cho-vay-bat-dong-san-420228610032178.htm

bottom of page