top of page
Ảnh của tác giảInformation

Đối tượng nào đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội sắp mở bán?

Người mua nhà ở xã hội phải chưa sở hữu nhà ở riêng, là người có thu nhập thấp không phải nộp thuế thường xuyên; đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở…


Mới đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố kế hoạch xây dựng hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội trong các năm tới. Phải kể đến như: Vinhomes đặt mục tiêu hoàn thành 500.000 căn trong 5 năm, giá bán dự kiến cho các căn hộ khoảng 300-950 triệu đồng/căn. Hoà Bình Group muốn xây 10.000 căn, Becamex đặt mục tiêu xây dựng 20.000 căn...


Nhà ở xã hội là loại hình nhà ở thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước hoặc được sở hữu và quản lý bởi nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận.

Ai cũng biết, giá trị nhà ở xã hội chỉ bằng một nửa nhà ở thương mại. Chính vì vậy, đây là loại hình bất động sản được rất nhiều người săn lùng, bởi nó tạo cơ hội cho những gia đình, cá nhân thu nhập thấp có được nhà ở ở thành phố. Tuy nhiên, để mua được nhà ở xã hội, người mua phải đáp ứng được những điều kiện nhất định.

Nhà ở xã hội là một trong những loại hình bất động được “săn lùng” bởi nó tạo cơ hội cho nhiều gia đình, cá nhân thu nhập thấp có cơ hội được có nhà ở ở thành phố.
Nhà ở xã hội là một trong những loại hình bất động được “săn lùng” bởi nó tạo cơ hội cho nhiều gia đình, cá nhân thu nhập thấp có cơ hội được có nhà ở ở thành phố.

Đối tượng nào được mua nhà ở xã hội?


Cụ thể, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thành 10 nhóm. Theo đó, tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014 quy định:


- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;


- Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;


- Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;


- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;


- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;


- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;


- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;


- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định là người thuê nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014.


- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.


Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về: Nhà ở, cư trú, thu nhập theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 thì mới hoàn toàn có quyền mua nhà ở xã hội.


Các tiêu chí: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.


Đối với điều kiện về cư trú, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội. Nếu không thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố.


Về điều kiện thu nhập, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên (người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, công chức, viên chức...).


Tuy nhiên, điều kiện về thu nhập không bắt buộc đối với các đối tượng như: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở...


Về phía chủ đầu tư


Theo quy định, chủ đầu tư nhà ở xã hội phải cung cấp đầy đủ các thông tin về dự án và được công bố công khai, báo cáo bằng văn bản về tổng số căn hộ sẽ bán, cho thuê, cho thuê mua, thời điểm bắt đầu bán, cho thuê, cho thuê mua.


Những người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua sẽ nộp hồ sơ cho chủ đầu tư. Từ đó, chủ đầu tư xem xét hồ sơ, lập danh sách những khách hàng được mua, thuê, thuê mua nhà ở, gửi danh sách dự kiến được giải quyết theo thứ tự ưu tiên về Sở Xây dựng để kiểm tra, loại trừ.


Ví dụ với dự án nhà ở xã hội Happy Home (của Vinhomes) gồm 3 loại. Loại 1, với giá bán gần 300 triệu đồng, là các căn hộ trong các tòa nhà cao tối đa 7 tầng, diện tích từ 24 m2 sàn và 12 m2 gác xép. Loại 2 là các căn hộ trong các tòa nhà cao 15 - 21 tầng, diện tích từ 30 - 50 m2, với mức giá 400 - 700 triệu đồng.


Loại 3 là các căn nhà liền kề 3 tầng, có diện tích từ 50 - 70 m2, giá bán tối đa 950 triệu đồng. Tuy nhiên, loại hình liền kề sẽ không nhiều vì Vinhomes đặt ưu tiên cho việc xây dựng các căn hộ cao tầng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân.


Để đảm bảo giá bán dưới 1 tỷ cho các căn nhà ở xã hội trong các dự án đầy đủ tiện ích với đầy đủ trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, sân thể thao… Chủ đầu tư dự án cho biết đã nghiên cứu rất kỹ, chắt lọc từng chút trong khi thiết kế để có được các chi phí tối ưu.


Ngoài ra, chủ dự án cũng phải tuân theo các nguyên tắc với nhà ở xã hội: chỉ được tính đủ chi phí thu hồi vốn, kể cả lãi vay và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.


Theo Châu Dương (Dân Việt)

Nguồn: http://danviet.vn/doi-tuong-nao-du-dieu-kien-duoc-mua-nha-o-xa-hoi-sap-mo-ban-50202220515221195.htm

bottom of page