top of page
Ảnh của tác giảInformation

Giao dịch ảm đạm, căn hộ Bình Dương “hết thời” hét giá

Giá bán neo cao cùng với sự trầm lắng nhu cầu giao dịch đang khiến nhiều nhà đầu tư căn hộ tại Bình Dương chưa kịp thoát hàng, ôm nỗi lo áp lực thanh toán và thua lỗ.


Nhà đầu tư lo lắng về thanh khoản của căn hộ Bình Dương


Thị trường BĐS đang có những bước phục hồi khả quan khi nhu cầu giao dịch và nguồn cung đã dần tăng trở lại sau nhiều tháng tạm ngưng vì giãn cách. Tuy nhiên, tại thị trường Bình Dương, giao dịch nhà đất vẫn khá ảm đạm, nhất là ở những dự án căn hộ có mức giá trên 37 triệu đồng/m2. Dòng sản phẩm tầm giá này đang gặp khó khăn trong việc ra hàng ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Bên cạnh tác động xấu của dịch bệnh, việc neo giá khởi điểm ở mức cao, vượt qua nhu cầu mua của người ở thực cũng là yếu tố khiến nhiều dự án triển khai trước đó lâm vào khó khăn khi mở bán các đợt tiếp theo hay nhượng lại trên thị trường thứ cấp.


Anh N.T.Tuấn, một nhà đầu tư đến từ TP.HCM đang mắc kẹt với 2 suất đầu tư căn hộ tại thị trường Bình Dương cho biết, đầu năm 2020 do khó kiếm dự án ở Sài Gòn nên anh theo người quen đổ về Bình Dương đầu tư căn hộ. Hai dự án anh xuống tiền đều nằm trên khu vực thành phố mới triển khai của Bình Dương là Thuận An và Dĩ An. Vị trí tiếp giáp TP.HCM, giá bán ở mức 37,5 triệu đồng/m2 (chưa VAT). Thời điểm đó, Bình Dương đang có “sóng” đầu tư căn hộ, thị trường rất nóng nhưng tin vào khả năng thanh khoản và tiềm năng của thị trường, anh Tuấn vẫn mua vào. Hiện tại, anh cay đắng thừa nhận, không ra được hàng và còng lưng thanh toán tiến độ 70% trong khi mục tiêu ban đầu chỉ theo tối đa khoảng 40-50% sẽ thoát hàng.

Nhiều nhà đầu tư đau đầu vì mua vào giá cao nhưng không kịp ra hàng trước khi thị trường căn hộ Bình Dương hạ nhiệt. Ảnh minh họa

“Môi giới cũng nói lúc này thị trường khó khăn, ít người mua, nếu ra hàng chỉ có thể thu về nhiều nhất là 40 triệu đồng. Đến hiện tại đã bỏ ra 1,3 và 1,5 tỷ đồng cho mỗi căn hộ, nuôi gần 2 năm mà thu về không đến 40 triệu, không bằng tiền lãi gửi ngân hàng khiến tôi chán nản với dòng sản phẩm căn hộ tại Bình Dương”, nhà đầu tư này chia sẻ. Ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn, chị H.P.Thảo, một nhà đầu tư tại TP. Thủ Đức cho biết, chị cũng đầu tư căn hộ Bình Dương theo phong trào hồi năm 2020. Thấy giá nhà Bình Dương tăng liên tục mấy năm liền, dân đầu tư đổ về mua nhiều, chị đi vay mượn thêm để mua 1 căn hi vọng sau một năm có thể lời tầm trăm triệu. Tuy nhiên thị trường trượt dốc nhanh, chỉ sau có 1 năm không kịp “chạy lỗ” trước tốc độ đi xuống của thị trường, chị Thảo phải ôm hàng cùng gánh nặng nợ nần. “Thị trường qua mất thời điểm nóng sốt nên giờ muốn rút sớm để bảo tồn vốn phải chịu bán bằng giá, thậm chí bán lỗ. Mình rao bán gần cả tháng rồi mà không có khách hỏi”, chị Thảo cho hay. Cần nguồn cung phù hợp với nhu cầu thực

Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, thị trường BĐS tại Bình Dương đang ảm đạm, nguồn cung rao bán đa phần là hàng tồn từ trước đợt dịch thứ tư. Nhu cầu cũng như dự án mới rất hạn chế và chưa có dấu hiệu cải thiện. Trải qua đợt dịch lớn, nhà đầu tư và khách hàng đều mang tâm lý thủ thân, không mạnh dạn bỏ tiền như trước. Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là giá thép tăng đột biến vậy nên nếu đầu tư dự án, chắc chắn phải đẩy giá cao lên mới có lời nhưng đối tượng khách hàng sẽ rất hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân hiện khá ít dự án mới được triển khai. Chia sẻ về giao dịch thị trường thời gian gần đây, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại Bình Dương cho biết, nguyên 1 năm qua, giao dịch thưa vắng, không chỉ căn hộ mà ngay cả đất nền cũng ít người mua. Người mua ít đi, nhiều nhà đầu tư không còn kiên nhẫn nên bỏ cuộc, khiến thị trường suy thoái. Chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường gần như tê liệt dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Cũng vì khó khăn do dịch bệnh, nhiều khách hàng mang tâm lý phòng thủ, cùng với đó là nguồn tài chính tích lũy được đã bị hao hụt đáng kể do phải chi dùng cho cuộc sống hằng ngày, không dám mạnh tay mua bán nhà đất như trước.

Các dự án căn hộ Bình Dương nên tập trung nhiều hơn vào phục vụ đối tượng người mua thực thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ảnh minh họa

Còn theo anh N.T.Phong, một môi giới BĐS lâu năm tại Bình Dương, giao dịch căn hộ Bình Dương giảm nhiệt do hoạt động sang nhượng trên thị trường thứ cấp gặp khó khăn. Phần lớn các dự án trung cấp triển khai tại thị trường này tuy chất lượng tầm trung nhưng mở bán thời điểm 2020, đầu 2021 đều có mức giá khá cao, rơi vào tầm giá 38-40 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án còn chào bán giá gần 45 triệu đồng/m2. Đây được đánh giá là mức giá cao so với nhu cầu chung của thị trường và chưa tương xứng với chất lượng thật. Người mua cũng phần nhiều là nhà đầu tư từ TP.HCM xuống mua nhằm mục đích bán lại kiếm lời. Vậy nên trong tình hình dịch bệnh, người mua ở thực khó khăn, không sẵn sàng chi tiền mua nhà dù thị trường có “thổi” điệp khúc tăng giá. Sức nóng giảm, ra hàng khó khăn, cung – cầu chênh lệch là nguyên nhân khiến giao dịch căn hộ tại Bình Dượng lặng sóng. Tìm hiểu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương, nhất là với dòng sản phẩm căn hộ vẫn rất lớn, lượt quan tâm tìm kiếm căn hộ tại thị trường này không hề giảm mà chỉ dịch chuyển sang phân khúc tầm trung giá từ 26-33 triệu đồng/m2. Thực tế thị trường cũng cho thấy, nhiều dự án tại Bình Dương phát triển dòng căn hộ giá bình dân vẫn ghi nhận được sức mua tốt. Đơn cử, căn hộ Legacy Central của Kim Oanh chào bán giá tầm 28-30 triệu đồng/m2, hay dự án Honas Residence tầm giá bán từ 26-28 triệu đồng/m2 có lượng đặt chỗ tốt. Điều này cho thấy, sức tiêu thụ căn hộ tại thị trường Bình Dương vẫn rất khả quan nếu phát triển nguồn cung phù hợp với nhu cầu mua ở thực của thị trường.

Nguồn: thanhnienviet.vn

bottom of page