Từ ngày 15.3, du lịch Việt Nam sẽ hoàn toàn mở cửa, tất cả các địa phương đều được phép đón khách quốc tế, thay vì chỉ có 7 địa phương thí điểm như hiện nay. Toàn ngành du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành rất mong chờ sự mở cửa một cách mạnh dạn và thông thoáng, bởi đây được xem là dấu mốc quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch sau thời gian dài đóng cửa do dịch COVID-19.
Đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận đã tiêm chủng
Theo lộ trình, từ 15.3, tất cả các địa phương đều được phép đón khách quốc tế, thay vì chỉ có 7 địa phương thí điểm như hiện nay. Trước đó, góp ý dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất trong vòng 24 giờ đầu, hành khách không rời khỏi nơi lưu trú ngay cả khi nhập cảnh vào Việt Nam có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Đồng thời đưa ra khuyến cáo khách quốc tế không ra khỏi nơi cư trú trong vòng 72 giờ. Trường hợp ngày thứ 2 và 3, khách cần rời khỏi nơi lưu trú, phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng ngày.
Trước thông tin trên, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng cho rằng, những quy định không thông thoáng khi mở cửa du lịch sẽ khiến khách quốc tế loại Việt Nam ra khỏi danh sách điểm đến và chọn các quốc gia khác với thủ tục cởi mở hơn. Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận với các thị trường khách quốc tế. Vì vậy, mong mỏi lớn nhất của toàn ngành du lịch hiện nay là có chính sách thông thoáng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp nhận những phản hồi trên, ngày 10.3, Bộ Y tế vừa có dự thảo lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Cụ thể, đối với người nhập cảnh theo đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ hoặc trong vòng 24 giờ (nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận; không cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh, nhưng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như người đã/đang lưu trú tại Việt Nam.
Mạnh dạn mở cửa du lịch
Thực tế, vấn đề mở cửa du lịch thế nào để không lỡ nhịp hồi phục đang trở thành tâm điểm được ngành du lịch quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng, du lịch là một ngành đặc thù nên các chính sách liên quan cũng cần linh hoạt để phù hợp hơn. Việc mở cửa là cần thiết nhưng vẫn phải giữ ở mức an toàn.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan đến nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín,…). Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ, liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị, địa phương. Vì vậy du lịch khép kín, nhóm nhỏ nên được khuyến khích.
Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cũng cho rằng, 5K vẫn là yếu tố tối quan trọng trong việc điều hành du lịch. Tuy nhiên, không phải tất cả “K” đều phải áp dụng mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ, khẩu trang sẽ là thứ cần áp dụng tối đa. Khử khuẩn rất quan trọng. Vấn đề khoảng cách cần tùy theo nhóm, tùy đoàn, hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn. Ngoài ra, các nhóm du lịch phải chấp hành khai báo y tế để xác định nguy cơ lây nhiễm, giúp xử lý gọn.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đồng bộ các hoạt động và phương án dự phòng cũng là điều quan trọng khi mở cửa du lịch.
“Phải có phương án nhập cảnh an toàn, khách sạn an toàn, dịch vụ ăn uống của khách an toàn, các dịch vụ vui chơi giải trí khác cũng phải an toàn. Nếu đứt gãy một khâu, sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của khách. Nói ví dụ, khách du lịch vào Việt Nam an toàn, đến khách sạn an toàn nhưng ăn uống không an toàn, một người trở thành F0 thì cả đoàn khách sẽ bị ảnh hưởng” - PGS Phu nêu dẫn chứng.
Về cách xử lý, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng nhấn mạnh, cần sự phối hợp giữa quản lý tour, địa phương, quản lý địa điểm du lịch, y tế và chính quyền địa phương. Cùng với đó, cần có hướng dẫn chung toàn ngành, toàn quốc, tránh mỗi nơi làm một kiểu, đặc biệt phải ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin xuyên suốt giữa các tour, thông tin về ca bệnh, phòng dịch bệnh trong du lịch.
“Tuỳ theo tình hình xử lý linh hoạt và nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro. Mong rằng trên cơ sở khoa học và thực tiễn này để thống nhất cách làm thông thoáng hơn. Chúng ta cũng mạnh dạn mở cửa du lịch ngày 15.3 tới đây” - PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Nguồn: https://laodong.vn/thi-truong/mo-cua-du-lich-tu-153-manh-dan-va-thong-thoang-de-don-khach-quoc-te-1023049.ldo