Trước tình trạng phân lô bán nền tràn lan, gây nhiễu loạn thị trường đất đai, nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp cứng rắn, ra văn bản dừng cấp quyền sử dụng đất để chặn phân lô bán nền.
Cũng với cơn sốt đất vùng ven, tình trạng phân lô bán nền, tách thửa tại các huyện ngoại thành Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, thị xã Sơn Tây... của Hà Nội những tháng đầu năm rất sôi động.
Nhiều nơi "siết" phân lô bán nền
Ghi nhận tại xã Tiến Xuân, Bình Yên (huyện Thạch Thất) nhiều thửa đất có diện tích hàng nghìn mét vuông đã được tách thành nhiều lô lớn nhỏ, có lô mặt tiền chỉ rộng khoảng 4m. Tại xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), hàng loạt thửa đất đã được chia lô, đang hoàn thiện hạ tầng để rao bán.
Người dân những khu vực có đất phân lô đều khẳng định khách hàng chủ yếu là người nơi khác đến đầu cơ. "Họ phân lô nhỏ mục đích là để mua đi bán lại với nhau chứ không có dân địa phương mua xây nhà vì diện tích những lô đất này quá nhỏ", bà Hằng (thôn 7, xã Tiến Xuân) cho biết.
Tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm dính một phần đất ở tại các khu vực này diễn ra tràn lan. Điều đáng nói là sau khi tách thửa, những khu đất này được phân lô, xây dựng hạ tầng không khác gì một dự án bất động sản "phân lô bán nền" với diện tích chỉ khoảng 60 - 100m2/lô, có giá bán 1,2 - 1,8 tỉ đồng tùy từng vị trí.
Để ngăn chặn tình trạng "sốt đất" do đầu cơ môi giới bất động sản tung chiêu "thổi giá", cuối tháng 3 vừa qua, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội đã ra văn bản dừng giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở. Các quận, huyện, thị xã được yêu cầu kiểm tra, báo cáo về tình trạng phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng giao thông trong khoảng thời gian từ tháng 1-2017 đến hết tháng 1-2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m².
Để ngăn chặn tình trạng bát nháo trong phân lô bán nền, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có văn bản gửi các huyện, TP, thị xã yêu cầu đối với trường hợp đã chia tách đất, có xây dựng đường giao thông và có dấu hiệu kinh doanh bất động sản, hiện trạng thửa đất được phân lô chưa hoàn thiện các hệ thống hạ tầng theo quy định thì tạm dừng cấp quyền sử dụng đất.
Đề xuất sửa luật, cấm phân lô bán nền
Theo ông Nguyễn Đức Lập - viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản, các địa phương thường căn cứ vào tình hình thị trường sẽ đưa ra giải pháp điều tiết thị trường phù hợp. Chẳng hạn các địa phương quá "sốt nóng", quá nhốn nháo, có nguy cơ bong bóng, có hiện tượng lợi dụng phân lô, tách thửa như Hà Nội thì dừng cấp sổ là cần thiết.
Để hạn chế tình trạng tách thửa tràn lan, tự ý mở đường theo hình thức hiến đất làm đường, một số địa phương đã quy định nếu tách quá 3 thửa là phải có thiết kế về đấu nối hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng chung. "Tình trạng tách thửa tràn lan không phù hợp với quy định chung, không đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với các giai đoạn phát triển đô thị cần cấm triệt để", ông Lập nói.
Cũng theo ông Lập, đất nông nghiệp sử dụng đúng mục đích sẽ chẳng ai đi đầu cơ vì nó không sản sinh nhiều giá trị thặng dư. Việc tách thửa đất nông nghiệp, lâm nghiệp thời gian qua thường gắn liền với việc xây dựng trái phép, các mô hình farmstay (nông trại kết hợp nghỉ dưỡng) do Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai chưa cho phép.
Dù khẳng định Luật đất đai vẫn cho phép phân lô bán nền tại một số khu vực như thuộc các thị trấn, thị xã (đô thị hạng hai, hạng ba) để người dân được tự xây nhưng ông Nguyễn Quốc Khánh, chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý bất động sản G5, cũng ủng hộ cần ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan vì nó sẽ tạo ra những khu đô thị hoang, rất lãng phí quỹ đất.
"Dù các tỉnh vẫn thu được ngân sách từ hoạt động phân lô bán nền, nhưng hệ lụy về lâu dài với xã hội rất tốn kém, lãng phí. Phân lô bán nền tràn lan còn ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà đầu tư thứ cấp, khi thị trường đóng băng, đất đai phải để không cho cỏ mọc, rất sốt ruột", ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng việc phân lô bán nền đang tạo ra hiện tượng găm giữ đất đai, tìm cách "thổi giá", gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, gây lãng phí tài nguyên và không tạo ra động lực phát triển mà chỉ gây rối cho phát triển kinh tế địa phương.
"Kể cả trường hợp người mua đất có nhu cầu ở thật, nhu cầu xây nhà, cách phát triển nhà ở manh mún như vậy sẽ tạo ra sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng, tạo áp lực lên địa phương, phá vỡ quy hoạch, gây khó khăn cho hoạt động tập trung đất đai", ông Đính nhấn mạnh.
Theo: Tuổi Trẻ
Nguồn: https://nhadat.tuoitre.vn/nhieu-tinh-thanh-pho-cam-phan-lo-ban-nen-chan-sot-dat-20220407085347148.htm