top of page
Ảnh của tác giảInformation

Theo trào lưu vay tiền mua lô đất quê 600 triệu đồng, 2 năm sau, cắt lỗ không tìm được người mua

Cứ tưởng đầu tư vào đất quê là "dễ ăn, dễ sinh lời" nhưng thực tế, không ít nhà đầu tư tay ngang rơi vào cảnh nợ nần, áp lực trả lãi hàng tháng sau lần mạnh tay vay ngân hàng xuống tiền vào đất quê.


34 tuổi, là nhân viên thiết kế tại một công ty giáo dục, anh T.T (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng không ít lần suy nghĩ tới việc phải làm giàu thế nào. Ở độ tuổi của anh, gia tài chỉ là một căn nhà chung cư diện tích hơn 40m2. Với mức lương 20 triệu đồng/tháng, gia đình anh T. phải tính toán kỹ lưỡng khoản tiền chi phí sinh hoạt. Anh T. cho biết, vợ anh bán hàng online, chủ yếu ở nhà chăm sóc con nên gần như thu nhập chính trong gia đình phụ thuộc vào chính anh.


Thấy bạn bè ai cũng nhanh chóng đổi nhà, đổi xe, anh T. cảm thấy sốt ruột. Nghe bạn bè kháo nhau, anh quyết định mạnh dạn đầu tư đất. Không kinh nghiệm, kiến thức mới chỉ ở lý thuyết, theo lời bạn bè, anh T. xuống tiền vào lô đất quê tại Hải Dương. "Cứ mua lô đất rẻ thì chắc chắn sẽ có lời. Mua đất ở quê sau dễ bán" – Đó là bài học mà anh T. rút ra từ những người bạn của mình.

(Ảnh minh hoạ)

Tháng 12/2019, sau khi tìm hiểu, anh T. quyết định xuống tiền vào lô đất 200m2 nằm trong ngõ ở Hải Dương, với mức giá 600 triệu đồng, trong đó có 100m2 đất thổ cư, 100m2 đất trồng cây lâu năm. Để có đủ 600 triệu đồng, anh T. vay ngân hàng 500 triệu đồng bằng việc thế chấp sổ hồng căn nhà mình đang ở. 100 triệu đồng, anh rút toàn bộ từ sổ tiết kiệm. Anh T. dự tính chờ đợi khoảng 1,5 năm rồi sẽ rao bán. Anh cũng kỳ vọng rằng, dự án bất động sản mới cách lô đất anh mua 5km khởi công, lô đất anh mua sẽ tăng giá. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, đã hơn 2 năm trôi qua, lô đất mà anh T. mua vẫn trong tình trạng "không người hỏi mua". Dự án bất động sản mà anh từng nghe ngóng sẽ triển khai cũng đang trong tình trạng "nằm trên giấy". Tìm hiểu thông tin, anh T. mới biết, thời điểm anh xuống tiền đúng lúc đất sốt. Nên mức giá anh mua cao tới 50% so với giá đất quê trước đó 3 tháng. "Hơn 2 năm qua, gia đình tôi phải gánh thêm khoản nợ lãi gần 6 triệu đồng/ tháng. Lô đất mua mãi không có người hỏi. Ngay cả khi cắt lỗ 10-20% mà cũng không ai hỏi", anh T. cho hay. Khảo sát từ các đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản ghi nhận, giá đất quê trong vài năm trở lại đây tăng chóng mặt, thậm chí có một số khu vực tăng tính theo lần. Tuy nhiên, tình trạng giá đất tăng cao nhưng thực tế người mua lại rất thấp, tỷ lệ giao dịch thành công hạn chế. Ông Nguyễn Ngọc, lãnh đạo sàn giao dịch bất động sản cho rằng, giá đất quê đa phần là tăng ảo, "ăn theo" cơn sốt đất chung. Nhưng cơ sở để giá đất quê tăng đúng với giá trị lại không có như mở rộng đường hay xuất hiện dự án dân cư, khu đô thị xung quanh. Ngoài ra, theo ông Ngọc, có tình trạng giá đất quê vượt quá giá trị thật. Ví dụ như nhiều khu vực, đường xá mở rộng nhưng trước đó, giá đất quê đã leo thang nhanh chóng. Đến khi đường mở xong, giá đất quê tăng gấp 3,4 lần, kéo theo có nơi đắt tương đương một số lô đất ở Hà Nội. Ông Ngọc cho rằng, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại thì những khu vực tăng giá quá ảo như đất quê sẽ là nơi bị "chôn vốn đầu tiên" do nhu cầu ở thực thấp, giá lại quá cao. "Thị trường bất động sản đang có một số tín hiệu cảnh báo rủi ro như động thái siết tín dụng vào bất động sản của các nhà băng, siết chặt quy định pháp lý về dự án cũng như tâm lý lo lắng của nhà đầu tư vào tính chu kỳ. Ngay cả thời điểm hiện tại, một số nhà đầu tư "non tay", bỏ tiền vào bất động sản và chôn vốn đã xảy ra. Họ cắt lỗ tới 20-30% nhưng vẫn không tìm được người mua. Tình trạng này sẽ còn lan rộng nếu như thị trường địa ốc rơi vào giai đoạn chững lại thực sự".

Việt Khoa Theo Nhịp sống kinh tế

Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/theo-trao-luu-vay-tien-mua-lo-dat-que-600-trieu-dong-2-nam-sau-cat-lo-khong-tim-duoc-nguoi-mua-42022124104322137.htm

bottom of page