top of page
Ảnh của tác giảInformation

Thuế bất động sản sẽ kiềm chế tăng giá nhà đất

Đến lúc cần cải cách thuế bất động sản để giải bài toán giá nhà đất tăng quá cao. Giá nhà đất tăng quá cao dẫn đến một thực trạng là người dân chật vật, làm cả đời cũng chưa chắc mua nổi một mảnh đất, căn nhà, trong khi mà phần lớn nguồn cung nhà đất đang ngày một khan hiếm, vẫn tiếp tục "rơi" vào tay những người dư dả tài chính.


Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thuế bất động sản cần được triển khai để "kìm" đà tăng giá của bất động sản.

Thuế bất động sản cần được triển khai


Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, để giải quyết vấn đề này, tại các nước phát triển, ngoài chính sách phát triển nhà xã hội, thì đánh thuế bất động sản lên bất động sản thứ 2 trở đi và bất động sản không đưa vào sử dụng là giải pháp khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ bất động sản. Thông qua đó giúp tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người có nhu cầu thực.


Theo ông Đính, đánh thuế bất động sản để kiềm chế giá nhà với các doanh nghiệp phát triển dự án thì hành lang pháp lý mới đã có cơ chế, quy định xử phạt đối với các mảnh đất bỏ hoang, “găm” giữ chờ bán dự án. Theo đó, các dự án đầu tư mà không được sử dụng 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong quyết định đầu tư sẽ bị thu hồi.


Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, chủ đầu tư được gia hạn không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng. Hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất.


Còn với các nhà đầu tư cá nhân, hệ thống pháp luật vẫn chưa có cơ chế chính sách xác định và kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất thổi giá. Khái niệm đầu cơ và đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa được phân định rõ ràng. Việc mua để ở hay cho thuê, hay chuyển nhượng là hợp pháp và là một hoạt động đi liền với cơ chế của thị trường trên cơ sở tự chịu trách nhiệm “lời ăn, lỗ chịu”. Nhưng hoạt động mua bán, chuyển nhượng không được kiểm soát, là nguyên nhân chính của tình trạng “sốt đất” diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro với thị trường bất động sản nói riêng, nền kinh tế nói chung.


Cụ thể, việc các nhà đầu tư đầu cơ găm hàng khi hàng hóa khan hiếm, không có để bán rồi để “hoang” chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả để đẩy giá lên nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao, đang rất phổ biến, xảy ra từ các khu vực đô thị tới nông thôn. Điều này gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển quỹ đất, quan hệ cung cầu, ảnh hưởng tới nền kinh tế trong dài hạn do đất đai là “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất hiện nay.


Để điều tiết thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, để giá đất tăng giảm theo đúng thị trường, việc ban hành chính sách thuế bất động sản là công việc cấp bách. Đánh thuế bất động sản hiệu quả và minh bạch, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường bất động sản. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới.


Nên áp dụng thuế bất động sản như thế nào?


Ông Đính cho rằng, thuế bất động sản cần áp dụng với ngôi nhà thứ 2 trở lên. Việc người có nhiều tài sản, tài sản lại không ngừng sinh lời thì việc nộp thuế nhiều hơn là điều đương nhiên. Thực tế, hầu hết người mua nhà trong thời gian qua là người mua nhà thứ 2, thứ 3.


Bên cạnh đó, nếu chủ sở hữu bất động sản không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất… thì cũng bị đánh thuế bất động sản. Đồng thời, khuyến khích các chủ sở hữu đưa bất động sản "bỏ hoang" cho thuê hoặc bán đi, thông qua đó tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân có nhu cầu ở thực.


Tuy vậy, việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường cũng gặp nhiều thách thức. Ông Đính cho rằng để sử dụng hiệu quả và minh bạch công cụ thuế, cơ quan quản lý Nhà nước cần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ xác định đâu là ngôi nhà thứ hai, thứ ba… và giá trị của bất động sản áp thuế. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực.


Ngoài ra, cũng cần cân nhắc tác động tiêu cực có thể có, như việc đánh thuế có thể khiến người dân bị “kiệt quệ” sức mua, dẫn đến các hệ lụy khác về lâu dài với nền kinh tế hoặc tạo ra các lỗ hổng pháp lý khi người giàu vẫn có thể lách thuế bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản thứ 2, thứ 3… cho người thân; giá thuê nhà tăng để bù đắp chi phí cấu thành từ việc đóng thuế… Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, bất cứ một chính sách nào khi mới đưa ra luôn có vướng mắc, vấn đề là phải cân nhắc “được - “mất”. Nếu được nhiều hơn mất thì nên làm và mọi cái vướng đều có thể tháo gỡ, và việc đánh thuế bất động sản sẽ được nhiều hơn mất.


Lê Trang

bottom of page